Viêm da cơ địa, chàm, eczema: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thời tiết hanh khô là điều kiện thuận lợi để khởi phát tình trạng viêm da cơ địa hay còn gọi là eczema, chàm ở trẻ em. Chưa kể, trong đợt dịch gần đây, việc thường xuyên sử dụng các chất tẩy rửa thường xuyên như nước rửa tay khô cũng làm khởi phát tình trạng viêm da cơ địa.

Biểu hiện của viêm da cơ địa?

Giai đoạn cấp tính thường tiến triển như sau:

Ban đầu là các đám da đỏ ranh giới không rõ ràng, các sẩn, đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vảy da -> da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết  -> các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu dẫn đến mụn mủ và vảy tiết vàng.

Giai đoạn mạn tính: Da dày thâm, ranh giới rõ, vết nứt đau.

Điều gì khởi phát viêm da cơ địa?

Không khí lạnh, khô, sử dụng lò sưởi, điều hòa, tắm biển hoặc quần áo nilon, len dạ, sử dụng nhiều chất tẩy rửa như xà phòng…

Điều trị viêm da cơ địa không dùng thuốc như thế nào?

Hãy chắc chắn rằng bạn đã áp dụng tất cả các cách dưới đây. Vì đây là bệnh thuộc về “cơ địa” nên loại bỏ được càng nhiều yếu tố nguy cơ sẽ giảm được càng tốt tình trạng tái phát. Thói quen tắm:

  • Không tắm lá, tắm chanh. Mình đã gặp tình trạng rất nhiều phụ huynh tắm cho con bằng chanh với suy nghĩ “tắm thế sẽ sạch hơn!?!”. Tuy nhiên, với lượng acid lớn, chanh chỉ khiến bào mòn da trẻ, khiến da trẻ khô hơn -> làm khởi phát tình trạng viêm da cơ địa. Còn tắm lá thì sao? Tắm một số loại lá như trà xanh, kinh giới, lá khế có thể rất tốt với trẻ, tuy nhiên, phải đảm bảo các loại lá đó SẠCH, không dính lông sâu hay sử dụng các chất bảo vệ thực vật nếu không sẽ làm tình trạng da trẻ tồi tệ hơn mà thôi.
  • Thời gian tắm nên dưới 10 phút.
  • Không nên tắm nước quá nóng. Nước quá nóng kích thích đầu dây thần kinh khiến da nhạy cảm kích thích ngứa nhiều hơn
  • Tránh sữa tắm, xà bông có bọt, mùi thơm. Các chất tẩy rửa tạo bọt thường làm mất lớp dầu tự nhiên trên da. Ngoài ra, các chất tạo mùi hương dễ gây kích ứng.
  • Sau khi tắm xong nên dùng khăn bông, vỗ nhẹ để thấm nước, không nên chà xát mạnh da

Sử dụng kem dưỡng ẩm

Đây được coi là chìa khóa để điều trị viêm da cơ địa. Tuy nhiên, cần lựa chọn đúng loại kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da. Có 3 loại kem dưỡng ẩm:

  • Oinment – thể mỡ: Phù hợp với các trường hợp viêm da mạn tính, da quá khô. Có khả năng giữ ẩm tốt. Tuy nhiên, để lại lớp bóng trên da, có thể gây khó chịu khi sử dụng.
  • Thể kem hay cream: Hấp thu tốt nhất, hầu hết các kem dưỡng ẩm đều ở thể chất này.
  • Dạng gel hay lotion thân nước: Khiến da mát và dễ chịu ngay lập tức. Tuy nhiên, bay hơi nhanh và khó thấm vào lớp biểu bì bên trong do không qua được hàng rào tế bào thân mỡ. Sử dụng và mùa hè hoặc đối với các trường hợp da không quá khô.

Thoa dưỡng ẩm như thế nào?

Bôi kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần 1 ngày, ngay cả khi da không kích ứng. Sau khi tắm, khi da còn ẩm: Thoa kem dưỡng ẩm. Nếu không tắm, xịt thêm ít nước để mềm da sau đó thoa kem. Nên sử dụng quần áo chất liệu cotton mềm và thân thiện với da. Các loại khác như vải tổng hợp dễ gây kích ứng vì chất liệu cứng, giữ mồ hôi.

Lau sạch sữa, thức ăn sau khi bú, ăn: Với trẻ con, chàm sữa xuất hiện ở quanh miệng -> cần lau khô sữa cho trẻ sau mỗi lần bú. Việc đọng sữa trên mặt cũng là điều kiện thuận lợi gây bội nhiễm.

Lựa chọn nước rửa tay khô phù hợp nên chọn loại có thành phần dưỡng ẩm, không nên sát khuẩn bằng cồn 70 độ.

Xác định và loại bỏ các yếu tố gây kích ứng: Đổi bỉm cho trẻ, hạn chế sử dụng thuốc nhuộm tóc, kem trang điểm mắt ở người lớn.

Sử dụng thuốc điều trị như thế nào?

Các loại kem chứa corticoid thường xuyên được sử dụng. Tuy nhiên cần phải lưu ý, các loại này không nên dùng dài ngày, không dùng trên các vùng da đã bị bội nhiễm (viêm, chảy nước), không dùng trên các vùng da nhạy cảm như da mặt, vùng sinh dục…

Ưu tiên sử dụng các kem có thành phần sát khuẩn tự nhiên như thành phần hoa cúc, mã đề, mật ong…

Trường hợp xuất hiện viêm do gãi xước và nhiễm khuẩn thì nên ưu tiên các loại kem ngoài da chứa kháng sinh.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Khi các vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng: rỉ nước, lan rộng, đóng vảy hoặc thời gian bệnh kéo dài trên 2 tuần.

DS. Trần Thị Lan Phương

Tác giả

DS Lan Phương: Dược sĩ đại học Dược Hà Nội. Chịu trách nhiệm chuyên môn cho hệ thống nhà thuốc Vì Sức Khỏe