Hydroxychloroquine (HCQ): Có nên tích trữ phòng dịch COVID-19 không?

Hydroxychloroquine (HCQ): Có nên tích trữ phòng dịch COVID-19 không?

1. Tác dụng thực sự của HCQ trên Covid-19 là gì?
Vào tháng 2/2020, Wang et al xuất bản 1 công trình cho thấy HCQ và Remdesivir có thể ức chế 2019-nCoV với tiềm lực mạnh hơn các thuốc kháng virus khác như Ribavirin, Nitazoxanin, hay Favipiravir. Cơ chế được suy đoán: do HCQ là 1 chất mở cổng cho Zinc (kẽm) đi vào trong tế bào. Một nghiên cứu khác cho thấy khi tế bào bị nhiễm SARS-CoV (họ hàng gần) của nCoV có quá nhiều Zinc, men cần thiết cho quá trình sinh sôi của virus sẽ bị bất hoạt. Ngoài ra HCQ cũng cho thấy tác dụng ức chế protein gai nhọn của MERS và tăng pH trong tế bào ngăn cản quá trình dung hợp của virus (hình 1).
Tuy là bằng chứng tiền lâm sàng còn thiếu nhưng giai đoạn đấy TQ đang bị nCoV hoành hành dữ dội, nên các thuốc có tiềm năng sẽ được đẩy nhanh vào thử nghiệm lâm sàng trên người nhằm tìm kiếm trị liệu hiệu quả cho nCoV. Trong cuộc đua của các thuốc trong giai đoạn lâm sàng, có vẻ HCQ lại lợi thế khi gần đây nhất 1 báo cáo của GS Raoult người Pháp cho thấy trên 24 bệnh nhân thử nghiệm, HCQ giảm số bệnh nhân dương tính COVID-19 còn 25%, so với 90% bệnh nhân đối chứng.
Tất nhiên đây là những bằng chứng khả quan, nhưng còn nhiều lỗ hổng: số bệnh nhân trong thử nghiệm lâm sàng quá ít, thử nghiệm không phải là ngẫu nhiên tất nhiên dữ kiện thu được có thể bị làm sai lệch hoặc không khách quan, cơ chế tác dụng của HCQ chưa rõ chỉ toàn là suy luận trên giấy … Chính vì vậy dữ kiện thế này hoàn toàn không đủ để thuyết phục những nhà khoa học (hình 1), hoặc cơ quan có thẩm quyền chuyên môn như FDA; ấy nhưng không biết thế nào nó lại đủ để làm TT Trump ca ngợi lên cả báo đài, và thế là HCQ dậy sóng.

2. Tích trữ HCQ: Lợi có hơn hại?
Ngay sau khi Trump béo đưa HCQ lên mây, tại nhiều nước, người dân kéo nhau đi mua HCQ khiến các nhà thuốc không còn hàng. Ở Nigeria, 2 người đã nhập viện vì ngộ độc HCQ do uống để ngừa COVID-19. Tại Việt nam, ngày 22/3 báo chí ghi nhận 1 ca bệnh nhân nam, 44 tuổi nhập viện sau khi uống 15 viên thuốc “trị sốt rét” vì nghe theo mách bảo trên mạng. Bệnh nhân may mắn sống sót sau khi được rửa ruột và dùng than hoạt tính.
Ở Việt Nam, dù cơ chế quản lý đã chặt hơn rất nhiều, việc mua thuốc dù không có toa từ bác sĩ vẫn còn xảy ra. Tình trạng tích trữ thuốc sốt rét tại nhà khiến giá thuốc bị đẩy lên cao; thiếu thuốc cho những bệnh nhân cần dùng cho bệnh lý khác và nguy hiểm hơn là nguy cơ ngộ độc do tự ý sử dụng.
Đấy là còn chưa nói tới bản chất thuốc lúc nào cũng là con dao 2 lưỡi do tác dụng phụ của nó
Mối lo lớn nhất là độc tính trên võng mạc, trên hệ tạo máu, trên thính lực, trương lực cơ và trên cơ tim (kéo dài khoảng QT) khi dùng lâu dài, nhất là trên các bệnh nhân suy gan và suy thận.
Điều thú vị là Raoult et al sử dụng HCQ kết hợp Azithromycin: HCQ kéo dài khoảng QT, gây loạn nhịp tim. Do đó khi dùng chung với các thuốc có khả năng cũng gây kéo dài khoảng QT như azithromycin, ciprofloxacin, amiodarone, thuốc trị trầm cảm fluoxetine, amitriptyline, nguy cơ này sẽ càng tăng cao. Trong nghiên cứu của ông Raoult các bệnh nhân có bệnh lý QT không được thâu nhận; đồng thời điện tâm đồ phải được theo dõi mỗi ngày.

3. Triển vọng của HCQ trong điều trị viêm đường hô hấp cấp do COVID-19?
Hiện có khoảng 6 trials đã đăng ký, chuẩn bị hay đang trong giai đoạn thu nhận BN. Các nghiên cứu này diễn ra ở 1 số nước như: TQ, Hàn quốc, Mỹ, Bắc Âu nhằm đánh giá hiệu qủa và/hay độ an toàn của HCQ trong việc điều trị cũng như phòng ngừa COVID-19. Chính TT Trump sau khi nhận ra sai sót của mình cũng đã thúc giục FDA thử nghiệm lâm sàng trên số bệnh nhân sớm hơn. Khi có nhiều thử nghiệm, dữ kiện về hiệu quả, an toàn và độc tính của HCQ sẽ được rõ hơn. Trong tương lai không xa dù HCQ có được thông qua cho Covid-19, chúng tôi hy vọng mọi ngừoi hiểu rằng thuốc không phải kẹo, hãy để BS/DS kê toa và trị liệu cho bạn, đừng tự làm BS cho chính mình.

Mặt trái không thể không quan tâm:
1. Bệnh nhân lupus thật sự cần thuốc
Bệnh lupus là một dạng bệnh tự miễn, khi kháng thể của cơ thể bệnh nhân tự tấn công các thành phần DNA, protein trong cơ thể. Triệu chứng là đau sưng khớp, sốt, nổi ban, trầm cảm … HCQ có tác dụng tăng pH nội bào làm giảm khả năng nhận diện và trình diện kháng thể bản thân để tự kích hoạt tế bào miễn dịch nên có ích cho bệnh. HCQ đã được kê cho lupus từ lâu, BS/DS có nhiều kinh nghiệm quản lý và h theo dõi các tác dụng phụ ngắn hạn cũng như dài hạn cho các bệnh này.
2. Trên thực tế lâm sàng, mối lo cho HCQ còn ở phương diện tương tác thuốc.
– HCQ là một chất ức chế enzyme CYP2D6 vốn chịu trách nhiệm chuyển hoá khá nhiều thuốc như thuốc giảm đau codein, tramadol, thuốc trị ung thư tamoxifen. Cụ thể: HCQ làm giảm nồng độ các chất chuyển hoá hoạt tính của codein, tramadol và tamoxifen giảm hiệu quả giảm đau của codein/tramadol và giảm hiệu quả điều trị ung thư.
– HCQ có thể gây hạ đường huyết. Do đó khi dùng kèm các thuốc điều trị tiểu đường cần thận trọng và điều chỉnh liều thuốc hạ đường huyết.
– HCQ cho thấy có thể giảm threshold co giật, khiến bệnh nhân dễ bị động kinh dù đã ổn định với thuốc. Cho nên có thể cần tăng liều các thuốc trị động kinh nếu dùng kèm HCQ.
Để có thể tra cứu cụ thể tương tác giữa HCQ và cả CQ với các thuốc thường gặp, nhà lâm sàng có thể vào: Detailed recommendations for interactions with experimental COVID-19 therapies : http://www.covid19-druginteractions.org
TS.DS.Phạm Đức Hùng (Mỹ)
DS. Phạm Phương Hạnh (Canada)
Dược sĩ Phan Quang Khải (Mỹ)

Nguồn: Group Cộng đồng y khoa chống dịch COVID-19

Lưu ý: Mọi thông tin trong bài phản ánh quan điểm của người viết với những dữ liệu có sẵn tại thời điểm hiện tại. Không dùng bài viết để đưa ra quyết định điều trị hay tự điều trị.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.theglobeandmail.com/…/article-at-least-two-cas…/
2. https://www.cdc.gov/…/2019-ncov/hcp/therapeutic-options.html
3. https://www.merckmanuals.com/…/brand-names-of-some-commonly…
4. http://www.covid19-druginteractions.org
5. https://clinicaltrials.gov/ct2/results…
6. https://epidemio.wiv-isp.be/…/COVID-19_InterimGuidelines_Tr…
7. https://journals.plos.org/plosone/article…
8. https://www.nature.com/articles/s41422-020-0282-0
9. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8278823…
10. https://journals.plos.org/plospathogens/article…

Tác giả

DS Lan Phương

Dược sĩ đại học Dược Hà Nội. Chịu trách nhiệm chuyên môn cho hệ thống nhà thuốc Vì Sức Khỏe

See all author post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are makes.

0982.659.190